Tấn Kiên học tại trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM) ra trường 2013 với chuyên ngành Công nghệ thông tin. Kiên nhanh chóng xin được công việc IT tại một công ty ở Sài Gòn với mức lương mơ ước của nhiều người lúc đó.
Vào năm 2015, thấy “siêu trí nhớ” là kỹ năng thú vị nên Kiên đăng ký học thử và khi càng tìm hiểu Kiên càng bị “mê hoặc”. “Nhưng sau một năm học mình vẫn không ứng dụng được vào cuộc sống nên mới tìm cách học, đọc và thực hành sâu thêm để ứng dụng trong cuộc sống như việc ứng dụng vào việc học tiếng Anh, ứng dụng vào việc đọc sách cũng như những công việc hằng ngày... Đây là môn cực kỳ quan trọng, học được môn này sẽ hỗ trợ cho tất cả các môn còn lại trong học đường”, Kiên chia sẻ.
Nguyễn Lê Tấn Kiên. (Ảnh: NVCC)
Kiên đã tự mày mò và tạo ra một hướng mới mà anh tự gọi tên là “Siêu trí nhớ ứng dụng”. “Thế giới đã đi mình trước cả 20 năm. Bản thân mình đang thấy một điểm chung rất lớn giữa Việt Nam và thế giới, đó là quá tập trung vào thi đấu và so tài. Riêng mình thì đi theo hướng làm sao để ứng dụng vào thực tế nhiều hơn cho công việc, học tập và đời sống”, Kiên bộc bạch.
Tháng 12/2016, Kiên quyết định thôi hẳn công việc IT và tập trung cho công việc “siêu trí nhớ”. “Lúc đó mình không còn nhận lương nữa mà phải dùng một phần lương nho nhỏ tiết kiệm trước đó để duy trì trong vài tháng liên tục.
Mình tập trung để rèn luyện cả tinh thần lẫn kiến thức. Nếu tinh thần không vững thì có thể lúc đó mình sẽ quay lại với công việc cũ, làm công ăn lương rồi. Cũng may, ba má biết mình siêng học từ nhỏ nên đã động viên, ủng hộ, khiến mình càng vững tin hơn với quyết định này”, Kiên nhớ lại.
Kiên (áo trắng, hàng cuối) trong một lần đứng lớp chia sẻ về "siêu trí nhớ" tại Vũng Tàu. (Ảnh: NVCC)
Tấn Kiên là một ứng viên gây chú ý trong chương trình game show “Siêu trí tuệ Việt Nam” cuối năm 2019. Đến với chương trình, thử thách mà Tấn Kiên phải vượt qua mang tên Giải cứu từ điển. Theo đó, trong thử thách, từ điển tiếng Anh cơ bản của Oxford có 3.367 từ vựng được đính kèm số thứ tự đã được Tấn Kiên ghi nhớ trước đó.
Ban Giám khảo sẽ tùy chọn 10 từ bất kỳ, Tấn Kiên được xem qua 10 từ đó mà không có số thứ tự trong thời gian vài phú và phải ghi nhớ hết. Chương trình sẽ trộn số thứ tự của 10 từ này với 190 từ gây nhiễu được lấy ngẫu nhiên từ số 1 đến từ số 3.367, sau đó sẽ giả lập một hệ thống các dây kết nối giữa số và chuông báo động.
Tấn Kiên phải dùng trí nhớ để giải mã các từ này thành các con số. Sau đó, tiến hành tìm và cắt những sợi dây có số thứ tự tương ứng với 10 từ vựng do ban giám khảo ra đề. Thử thách đòi hỏi Tấn Kiên phải cắt chính xác 10/10 số thì mới thành công.
Kiên nhận được cúp “Siêu Trí Tuệ Việt Nam” năm 2019 . (Ảnh: NVCC)
Nhớ lại kỉ niệm lần tham gia game show, Kiên chia sẻ: “Việc phải ghi nhớ một lượng thông tin lớn và đúng theo số thứ tự là điều không hề dễ dàng cho mình. Khi nhìn thấy dàn đạo cụ, mình cảm thấy có chút rối, bởi vì trên đó có rất nhiều con số mà trong quá trình thi, mình có thể rất dễ nhầm lẫn. Nhưng rồi, mình cũng đã vượt qua được thử thách”.
Tại chương trình, Tấn Kiên nhận được cúp “Siêu trí tuệ Việt Nam” năm 2019, nhờ khả năng ghi nhớ 3.367 từ vựng tiếng Anh đúng nghĩa, đúng số thứ tự của từng từ, trong 45 ngày.
Hiện nay, Kiên đang có một group chia sẻ việc ứng dụng “siêu trí nhớ” vào học tập và cuộc sống miễn phí cho cộng đồng. Kiên là người trực tiếp livestream hàng tuần hướng dẫn cho mọi người.
Bên cạnh đó, Kiên đang xây dựng một nhóm vừa học tập rèn luyện trí nhớ, vừa rèn luyện sức khỏe vào ba buổi sáng thứ Hai - Tư - Sáu hằng tuần tại sân vận động Phú Thọ, Q. 10. “Mục tiêu của nhóm này là để rèn việc dậy sớm cho mọi người, rèn luyện sức khỏe và rèn trí nhớ 5-15 phút mỗi ngày. Và xa hơn, nhóm này sẽ lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành khác”, Kiên cho biết.
Kiên theo đuổi “Siêu trí nhớ ứng dụng” và tích cực chia sẻ với mọi người. (Ảnh: NVCC)
Việc xây dựng các lớp học chất lượng hơn dành cho người trưởng thành ứng dụng công việc và học tập dạng offline thực hành chuyên sâu mang tính ứng dụng được nâng cao hơn nữa cho mọi người cũng được Kiên chú trọng. “Chương trình quan trọng nữa là việc học tiếng Anh dựa vào “siêu trí nhớ” phải ngày càng dễ hơn và bền vững hơn.
Mình đang đi theo hướng không dừng lại ở nhớ từ vựng mà còn nhớ tình huống giao tiếp, nhớ cấu trúc ngữ pháp vì về cơ bản, hầu như tất cả các khâu trong tiếng Anh hay bất kỳ một môn nào khác đều khó nhớ. Nếu cải tiến được điều này thì mọi người sẽ chạm tới tiếng Anh ngày càng dễ hơn”, Kiên "bật mí".
Nguồn: Báo sinh viên Vệt Nam